Follow Us:

vhn.bio@gmail.com 0936.653.545

blog

Những bí quyết giúp bố mẹ tạm biệt stress vì con biếng ăn

Làm cha mẹ, chúng ta đều mong con mình được nuôi dưỡng khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ cũng hứng thú với việc ăn uống. Có một số thời điểm trẻ ốm, mọc răng hay đơn giản là không thích món này món kia.

Nhiều bậc phụ huynh khi thấy trẻ bắt đầu xuất hiện chứng biếng ăn thường có xu hướng ép chúng ăn. Cách làm này thực chất không đem lại kết quả khả quan mà ngược lại có thể khiến chứng biếng ăn ngày càng trầm trọng. Vì vậy, các mẹ hãy cùng VHN Bio đi tìm giải pháp đúng đắn hơn giúp bé (đặc biệt trong độ từ 2 đến 5 tuổi) ăn ngon trở lại trong bài viết dưới đây nhé!

1. Dấu hiệu nhận biết trẻ biếng ăn

Chứng biếng ăn (hay còn được gọi là rối loạn ăn uống) thường gặp trong độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi. Tình trạng này nếu diễn ra lâu ngày sẽ khiến bé kém hấp thu, suy dinh dưỡng hay tệ hơn là suy giảm hệ miễn dịch khiến cha mẹ lo lắng. Để biết chiều cao và cân nặng của bé có phát triển đúng chuẩn Chỉ số khối cơ thể (BMI) hay không, mẹ có thể đưa bé tới các phòng khám hoặc bệnh viện để đo lường chỉ số này. Đồng thời, mẹ hãy quan sát biểu hiện của trẻ. Nếu trẻ biếng ăn, chúng thường có các biểu hiện sau:

- Trẻ khóc hoặc tìm cách lảng tránh thức ăn.

- Một số món trước đây bé thích ăn nhưng sau lại không ăn nữa.

- Ngậm thức ăn trong miệng lâu, không chịu nhai hay nuốt.

- Ăn ít hơn so với bình thường.

- Thời gian của mỗi bữa ăn thường kéo dài trên 30 phút.

2. Tại sao trẻ mắc chứng biếng ăn?

Thực chất, việc trẻ biếng ăn phần nhiều do cách dạy dỗ và nuôi dưỡng con chưa khoa học của các bậc cha mẹ. 

2.1. Bị xao nhãng bởi những thứ xung quanh

Cho trẻ xem TV, điện thoại, máy tính bảng,... khi ăn là cảnh tượng khá phổ biến trong các gia đình hiện đại ngày nay. Nhiều bậc cha mẹ thường lấy lý do bận rộn công việc mà ít dành thời gian chơi với con, giao tiếp với con mà thay vào đó để con sử dụng các thiết bị công nghệ từ nhỏ. Thậm chí khi ăn cũng để con dùng để dỗ chúng ăn hết cơm. Điều này không chỉ khiến trẻ mất tập trung vào việc ăn uống chủ động đúng bữa, quên dần cảm giác thèm ăn mà còn ảnh hưởng đến các bộ phận như cổ, lưng và mắt của chúng. Lâu dần việc này có thể gây ra sự biếng ăn ở trẻ.

2.2. Thực đơn ít đa dạng

Khi thực đơn các món ăn lặp lại liên tục thì khẩu vị của bé từ ăn ngon cũng chuyển sang ngán ngẩm. Nhiều cha mẹ thấy bé ăn ngon món nào thì thường chiều chuộng con, để bé ăn món đó ngày qua ngày. Lâu dần, việc này sẽ tạo thành thói quen xấu cho trẻ. Chúng sẽ không dễ tiếp nhận các món ăn mới giàu dinh dưỡng, trở nên kén ăn, cơ thể còi ốm. 

2.3. Cho trẻ ăn quá nhiều vào bữa phụ

Dạ dày của trẻ vốn rất nhỏ và chỉ tiếp nhận được một lượng thức ăn nhất định. 3 bữa chính và 3 bữa phụ trong một ngày, mỗi bữa cách nhau ít nhất 3 tiếng. Việc ăn vặt quá nhiều vào bữa xế quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng no khi tới bữa chính và trẻ sẽ bỏ bữa. Đặc biệt, các món ăn vặt phổ biến mà bé thích như bánh ngọt, kẹo, khoai tây chiên... chứa các chất tạo ngọt nhân tạo, nhiều dầu mỡ và tinh bột, sẽ gây hại về thể chất và trí não của bé. Nếu như ăn quá nhiều không chỉ khiến bé mất hứng thú với bữa chính mà còn gây sâu răng, rối loạn tiêu hoá, táo bón, béo phì, loãng xương và các vấn đề về tim mạch.

2.4. Cảm thấy không thoải mái mỗi khi đến bữa

Một vài cha mẹ không kiên nhẫn khi cho trẻ ăn nên đôi khi sẽ quát tháo mỗi lúc trẻ không muốn ăn hay ăn chậm, hay thấy con ăn ít hơn trẻ cùng độ tuổi nên ra sức thúc ép trẻ ăn. Điều này có thể khiến trẻ sợ hãi áp lực với cân nặng, nảy sinh tâm lý chán ăn. Không như người lớn, cảm giác đói ở trẻ nhỏ thường không rõ ràng. Việc phải chịu đựng những cảm giác khó chịu khiến trẻ cảm thấy căng thẳng nên trẻ thường nảy sinh tâm lý chán ăn. Ví dụ như vấn đề lạm dụng tình dục, áp lực về điểm số trong học hành, thi cử… Do đó, cha mẹ không nên thúc ép trẻ ăn khi trẻ chưa thực sự đói. Ngoài ra, mẹ không nên cho trẻ ăn riêng mà hãy cho trẻ cùng dùng bữa với gia đình. Điều này giúp trẻ ăn ngon miệng, không cảm thấy đơn độc khi ăn.

2.5. Trẻ bị ốm, mệt mỏi

Bản thân người lớn khi đổ bệnh cũng cảm thấy chán ăn, mất cảm giác thèm ăn nữa là trẻ nhỏ. Khi trẻ mọc răng, nướu sưng đau khiến việc nhai thức ăn của trẻ gặp khó khăn. Rối loạn tiêu hóa, dị ứng thức ăn, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón hay viêm nhiễm như viêm tai, mũi, cổ họng, mắt, đường ruột gây ra ho, sốt, mệt mỏi… đều dẫn đến biếng ăn.

3. Mẹ cần làm gì để trẻ hết biếng ăn?

3.1. Luôn cho trẻ ăn đủ bữa, đúng giờ và cho ăn cùng gia đình

Mẹ hãy đặt quy tắc cho con là không được tự tiện ăn bất cứ thứ gì nếu chưa đến cữ ăn nhẹ và bữa ăn chính. Trước khi bắt đầu bữa ăn khoảng 10–15 phút, hãy thông báo cho bé biết là đã sắp đến giờ ăn. Hầu hết trẻ em thích bắt chước hành động của người khác. Vì vậy, bố mẹ hãy ăn uống đúng giờ, ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, là tấm gương tốt cho bé noi theo. Việc cả gia đình quây quần bên mâm cơm và vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ giúp bé ăn ngon miệng hơn.

3.2. Cho trẻ ăn vặt lành mạnh

Thay vì nước ngọt có gas, bánh kẹo, khoai tây chiên hay gà rán, mẹ có thể cho trẻ ăn các món lành mạnh ít calories hơn vào các bữa phụ như: sữa chua, trái cây, bánh ít ngọt… và tuyệt đối không cho trẻ ăn gần với bữa chính.

3.3. Thực đơn đa dạng và cho trẻ chọn món ăn mình thích

Từ thời điểm bé bắt đầu ăn dặm, mẹ cần tập cho bé ăn đa dạng các món không chỉ hạn chế tình trạng biếng ăn, mà còn giúp bé nhận biết nhiều món ăn khác nhau. Hơn nữa, trẻ con rất thích đưa ra quyết định mình sẽ ăn gì. Mẹ hãy trao đổi cùng bé bữa kế tiếp sẽ ăn món gì rồi chọn thực phẩm để có một bữa ăn cân bằng. Hãy khuyến khích con ăn tất cả các món ăn có trên bàn, dù chỉ ăn mỗi thứ một ít. Hãy khuyến khích bé phụ mẹ nhặt rau, rửa rau, trộn thức ăn, dọn bàn ăn cho cả nhà. Những điều này sẽ kích thích bé muốn ăn những món mà bé đã phụ nấu.

3.4. Đảm bảo chế độ ăn uống khoa học ngay từ khi còn bé

Một chế độ ăn uống cân bằng cho trẻ nhỏ thường đảm bảo đủ các nhóm dinh dưỡng: Carbohydrate (còn gọi là nhóm chất bột đường), Protein (hay chất đạm), Chất béo, Vitamin và khoáng chất. Trong mỗi bữa ăn, mẹ hãy cung cấp cho bé đầy đủ các loại thức ăn sau:

- Ít nhất 5 phần trái cây và rau quả khác nhau mỗi ngày bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất.

- Cho bé ăn tinh bột tốt như khoai tây, khoai lang, bánh mì, gạo và mì ống

- Các chế phẩm từ sữa: sữa chua, phô mai, sữa hạt.

- Các món giàu đạm luôn phải có: đậu, cá, trứng, sữa. Nên ăn nhiều cá hơn thịt.

- Uống đủ nước khoáng và nước trái cây nguyên chất.

3.5. Khuyến khích con vận động thường xuyên

Chạy bộ, nhảy dây, chơi đuổi bắt, đá banh… Tất cả các hoạt động này đều giúp tăng cường sức đề kháng, giúp quá trình trao đổi chất diễn ra đều đặn. Việc vận động khiến bé tiêu hao nhiều năng lượng nên bé sẽ có cảm giác đói, ăn ngon hơn và có sức khỏe tốt hơn. Nếu bé còn nhỏ, mẹ hãy massage cho bé. Điều này giúp hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn, góp phần hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa giúp trẻ khỏe mạnh và tăng trưởng tốt.

Trẻ biếng ăn, chậm lớn luôn là nỗi lo của bất cứ cha mẹ nào. Tuy nhiên, ba mẹ hãy bình tĩnh tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân biếng ăn của con, từ đó có những giải pháp hợp lý giúp con tìm lại cảm giác ăn ngon, tăng cân khoa học, phát triển khoẻ mạnh. 

Để được hỗ trợ tư vấn chữa trị biếng ăn và bổ sung vi chất dinh dưỡng cho bé, bố mẹ vui lòng kết nối với chuyên gia của chúng tôi qua fanpage: Scumin Đề kháng khỏe trẻ ăn ngon hoặc website: http://scumin.vn/. Ngoài ra, mẹ có liên hệ tới tổng đài chăm sóc sức khỏe 0247.1060.666 hoặc Zalo 0936.653.545 để gặp bác sĩ/ dược sĩ của Viện Dinh dưỡng VHN Bio hỗ trợ tư vấn miễn phí.

Nguồn tài liệu tham khảo từ Nhs.uk/